div id='fb-root'/>

TRANG THÔNG TIN VỀ ONE PIECE

PHỎNG VẤN EIICHIRO ODA

 XUÔI DÒNG KÝ ỨC (PHỎNG VẤN TỪ JUMP-STYLE – PHẦN 1)

Vào ngày 2 tháng 10 năm 2015, số thứ ba của ấn phẩm mang tên gọi “Phong-cách-Jump! Bộ sách học Manga kèm DVD”, với chủ đề về tác giả manga One Piece Eiichiro Oda, đã được phát hành tại tỉnh Shizuoka. 

Có rất nhiều mẩu phỏng vấn và tư liệu hay ho trong cuốn mook này, trong đó có phỏng vấn và hình ảnh về khu vực làm việc của ông. Hơn thế, còn có vật phẩm đi kèm là DVD thu hình Oda đang vẽ vời và cả một cuộc phỏng vấn tác giả nữa – vì vậy nếu bạn mong muốn được xem qua tất cả, đừng quên lượn lờ trên mấy trang web đấu giá của Nhật hoặc trang Amazon để tự sở hữu một cuốn nhé. One Piece Podcast sẽ đem tới bản dịch về tất cả các tư liệu thú vị trong cuốn sách, nhưng họ sẽ không chấp nhận hành vi sử dụng hình ảnh cho mục đích thương mại, vì vậy những tư liệu tuyệt vời được chia sẻ cũng có giới hạn thôi. Nói vậy nghĩa là, hy vọng bạn hài lòng với phần đầu tiên của cuốn sách, nơi ta xuôi dòng ký ức cùng Eiichiro Oda và biên tập viên đầu tiên của ông ấy, Kujima, tới điểm khởi đầu của hành trình sáng tác manga, tới điểm khởi đầu bộ truyện tranh của ông, One Piece.

Với quyết tâm không thể lay chuyển, trên hành trình manga!

Oda-sensei đã mê vẽ từ khi còn rất trẻ, nhờ vào ảnh hưởng từ bố ông, người có sở thích hội họa. Câu chuyện ông quyết định con đường nghề nghiệp của mình đã nổi tiếng lắm rồi. Vào năm 4 tuổi, ông được biết về một nghề kiếm cơm nhờ vẽ tranh: họa sĩ truyện tranh. Kể từ đó, ông đã âm thầm quyết định mình sẽ trở thành con người như vậy.



WANTED!

Khi lên trung học, ông bắt đầu vẽ manga một cách nghiêm túc và sau đó tham gia giải Tezuka Award của Weekly Shonen Jump vào năm 17 tuổi. Tác phẩm đầu tay của ông, WANTED!, giành vị trí á quân, và năm tiếp theo ông thậm chí đã thắng giải Hop☆Step Award lần thứ 104 với tác phẩm Ikki Yako.


Sau khi hoàn thành one shot Kami Kara Mirai no Present, ông chuyển tới Tokyo, và cùng với biên tập viên tại Weekly Shonen Jump của mình, [Kaoru] Kujima, ông dành gần 3 năm tiếp theo để mài giũa các kỹ năng.

“Lúc mới chuyển tới Tokyo tôi đã nghĩ, “Chậc chậc đã thắng một giải rồi, chẳng mấy chốc là mình lên top ngay ấy mà.” Tuy nhiên, mọi bản phác thảo của tôi đều bị từ chối. Hồi ấy còn trẻ dại lắm, cho nên tôi thật sự đã đánh giá thấp [sự gian khổ của nghiệp vẽ] manga (cười). Lúc đó tôi chỉ chăm chăm nghĩ, như trong phim ấy, chỉ cần câu chuyện của mình thú vị là tốt rồi, và bạn sẽ nhận thấy điều đó trong phác thảo mấy cái one shot của tôi.

Nhưng biên tập viên còn muốn có cả những nhân vật hấp dẫn/hay ho nữa cơ, làm cột chống cho manga, xuyên suốt câu chuyện của tôi. Và tôi đoán rằng khoảng cách nhận thức còn lớn lắm, mỗi lần tới Phòng Biên tập tôi đều nộp phác thảo mới, nhưng có cả mớ chẳng bao giờ được xuất bản cả. Nhưng dù như vậy tôi vẫn khăng khăng rằng điều mình tin tưởng là đúng, và dù đã được biên tập chỉ ra mình sai ở chỗ nào, tôi chẳng bao giờ dễ dàng thỏa hiệp và thay đổi bản phác thảo mà tôi đã mất bao công sức nghĩ ra cả.”

Những cuộc gặp gỡ với biên tập viên cứ như đánh trận há!?

Thời ấy, Oda-sensei và biên tập Kujima của ông, người đã là một thành viên nòng cốt trong ban biên tập, luôn có những cuộc thảo luận sôi sùng sục mỗi lần gặp nhau, theo lời kể của Kujima.

“Với mọi người xung quanh, chắc trông chúng tôi như đang đánh lộn vậy (cười). Khi tôi chỉ ra những điểm cần chỉnh sửa, cậu ấy sẽ quay trở lại với một phiên bản đã được sửa sang lại và đôi khi khiến tôi ngạc nhiên vì chất lượng của nó. Nhưng Oda-sensei chẳng bao giờ sửa những cái cậu ấy đã quyết sẽ không thay đổi… Cậu ấy là kiểu người cứng đầu cứng cổ (cười).”


Khi chúng tôi thuật lại lời Kujima cho Oda-sensei, ông đáp:

“Chà… hồi ấy đúng là tôi ương bướng thật. Thực ra bây giờ tôi vẫn thế (cười). Về cơ bản hàng ngày biên tập viên đều giao thiệp với rất nhiều [họa sĩ manga] chuyên nghiệp, và qua những kinh nghiệm ấy, mỗi người đều hình thành nên “lý thuyết” của riêng mình. Và rồi họ đưa ra lời khuyên cũng dựa vào những sai lầm của rất nhiều lính mới (họa sĩ manga mới) khác nhau mà họ đã gặp.

“Nhưng tôi ấy à, tôi cứ tin rằng “Đó chỉ là lỗi của cá nhân người ta. Nếu tôi làm thế thì mọi thứ lại thành ra ổn thỏa thôi.” Bạn có thể nói tôi cũng tự tin thái quá đấy (cười). Vì vậy, khi gặp mặt để bàn về phác thảo của mình, tôi sẽ nghe biên tập viên nhận xét, rồi nộp lại phác thảo lần nữa, thay đổi những phần tôi có thể chấp nhận và đồng tình, nhưng giữ nguyên những phần tôi nghĩ không cần chỉnh sửa làm gì.”


Được xuất bản tác phẩm với tư cách họa sĩ chuyên nghiệp bởi cùng một tạp chí, lần đầu tiên ông khám phá ra phạm vi khả năng của mình.

Lập trường của Oda về tác phẩm của mình chưa từng thay đổi kể từ khi ra mắt. Ông cố gắng tự sáng tạo, và chỉ sáng tác những gì ông tự chấp thuận được.

Nhưng trong quá khứ, ông vẫn còn đang trui rèn. Ông nhận được những nhận xét khắc nghiệt về phác thảo và nội dung từ biên tập Kujima của mình, cũng như nhận xét về phong cách vẽ thành hình từ việc tự học mà ông vẫn tiếp tục sử dụng đến tận lúc đó, Oda nhớ lại.

“Ban đầu anh ấy bảo “nét vẽ của cậu thiếu căn bản.” Tôi vẫn chưa tự hiểu được đâu, nhưng khi one shot MONSTERS của tôi được xuất bản trên tạp chí, lần đâu tiên tôi tự nhận ra. Khi xem xét tác phẩm của chính mình theo cách tôi đọc series của các họa sĩ manga pro xếp chung với truyện của tôi, tôi nhận ra ý nghĩa thật sự của những lời anh Kujima nói, dù thừa nhận chúng làm mình chán nản lắm.

Bên cạnh đó, tôi con nhận được rất nhiều phê bình gay gắt về phong cách vẽ của mình. Câu nói gây ảnh hưởng to lớn nhất tới tôi là lời Kujima, “Mấy cô cậu vẽ chẳng cô nào dễ thương cả” (cười). Ám ảnh ghê lắm đó, làm đêm ấy tôi chẳng chợp mắt được tí nào luôn. Rồi tôi cứ tập vẽ con gái suốt.”




MONSTERS.

Oda cũng luyện tập rất nhiều thứ khác để nâng cao kỹ năng vẽ của mình.

“Tôi xem phim hoạt hình của Disney như Peter Pan rồi bắt chước gần y cách vẽ của họ. Hoạt hình Disney vào cái thời họ còn vẽ mọi thứ bằng tay quả là thần diệu. Tôi xem từng khung hình một trong phim The Little Mermaid và sao chép mọi biểu cảm khuôn mặt và các nhân vật mình thích.

Nói cho cùng thì, làm một họa sĩ truyện tranh không phải chỉ là vẽ vời theo phong cách truyện tranh. Ta còn phải vẽ được như những gì ta thấy, vẽ được như bức ảnh ta chụp. Để luyện tập việc đó, tôi đã mua nhiều tạp chí phim ảnh về và vẽ khuôn mặt của các ngôi sao điện ảnh trên đó, không phải vẽ chân dung, mà là một bức tranh hệt như ảnh chụp. Song song đó tôi còn làm trợ lý, và công việc này cũng giúp tôi học được rất nhiều điểu.”


Thời gian làm trợ lý đã cứu giúp Oda, và quá trình gầy dựng nỗ lực sự nghiệp solo.

Trước khi ra mắt, Oda-sensei đã có kinh nghiệm làm trợ lý cho nhiều tác giả truyện tranh của Jump, khởi đầu với Masaya Tokuhiro, Shinobu Kaitani, Nobuhiro Watsuki…

"Trong thời gian làm trợ lý cho Tokuhiro-sensei, tôi đã được chỉ bảo đích đáng về độ dày nét vẽ. Anh ấy quát tôi “Tại sao (cậu lại vẽ) nét nhân vật ngay trước màn ảnh mỏng như thế!?” Rất kỳ công. Anh ấy còn bảo nhiều thứ như, “Nếu cậu bỏ nhiều công sức vào công việc, độc giả sẽ, chắc chắn, hiểu được điều ấy,” những lời như vậy thật sự được ghi tạc trong lòng tôi.

Lúc ấy việc làm trợ lý không quá khó khăn với tôi, đúng hơn tôi cảm thấy mình như được “cứu vớt” vậy. Đi làm giống như tham dự một cuộc cắm trại vui vẻ, qua đêm cùng những người bạn mang tình yêu manga trong mình, và dành thời gian để vẽ vời. Đầy những mơ mộng, chúng tôi nói chuyện suốt về manga, thảo luận những thứ như “Nếu one shot tôi đang vẽ hiện tại được chuyển thể thành anime, ai làm diễn viên lồng tiếng (cho nhân vật của tôi) thì tốt nhỉ?”

Nhưng, việc vật lộn đầy đau khổ để cho ra lò một manga mới là chuyện tôi luôn giữ riêng trong lòng. Tôi sẽ không, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, để lộ chuyện đó với các chiến hữu của mình. Ở chỗ của các trợ lý manga vui lắm, nhưng bạn bè tôi tại đó cũng đồng thời là đối thủ. Mỗi người chúng tôi đều giữ bí mật về series mình sẽ vẽ tiếp theo, và rồi tôi về nhà, lẳng lặng để ngòi bút trượt trên giấy, cân nhắc đầy phấn khích về những ý tưởng của riêng mình mà chẳng ai hay biết. Biên tập viên, người tôi nộp bản thảo, là người chủ yếu cùng bàn luận về manga của tôi. Anh Kujima và tôi luôn rất hăng mỗi lần gặp mặt, trong nhà hàng chúng tôi gào vào mặt nhau lớn tiếng tới nỗi mọi người cứ nghĩ hai thằng đang oánh lộn (cười).”


Nhưng dù những buổi thảo luận diễn ra như vậy, cả Oda-sensei và biên tập Kujima của ông đều chẳng ghét bỏ gì việc gặp gỡ.

“Với chúng tôi “xung đột” là cần thiết để có thể tạo nên một manga hay ho. Hơn nữa, chẳng phải tụi tôi ghét bỏ gì nhau. Mặc dù, hồi ấy, à thì, tôi quả có mất bình tĩnh trong nhiều vấn đề, đương nhiên rồi (cười). Nhưng giờ đây, những thứ còn đọng lại chỉ là những hồi ức và tôi rất biết ơn, thành thật mà nói, tôi quả thực thấy mình nợ anh Kujima.”


Tập trung vào những kỹ năng đã được rèn giũa, và cuộc thành hình câu chuyện hải tặc!

Giữa những cuộc xung đột tới lui với biên tập viên và sự ganh đua thân thiện với những trợ lý manga đồng nghiệp, Oda-sensei vẫn không ngừng mài giũa kỹ năng của mình. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, ông nhận ra những rào cản mình sẽ phải vượt qua để có thể ra mắt series manga đầu tay. Việc này đã khiến ông mất hy vọng một thời gian.
phong van EIICHIRO ODA

“Bất kể tôi có vẽ nhiều như thế nào, mọi series mà tôi cảm thấy tự tin đều không được chấp nhận, khiến tôi sầu não vô cùng… Tôi còn nghĩ kiểu như, “Liệu có còn kịp để bắt đầu nghiệp công chức không (nếu giờ tôi bỏ cuộc)?” Dưới tất cả những âu lo ấy, trong khoảng một tuần cơ thể tôi chẳng thiết tha vận động gì nữa.

Nhưng, đó chính là lúc anh Kujima, người luôn thảo luận cùng tôi từ bấy tới giờ, nói với tôi, “Tôi chưa từng gặp ai làm việc chăm chỉ như cậu mà không được hồi đáp cả.” Những lời đó chính là thứ đã cứu rỗi tôi. Tôi đã khóc. Sau đó, tôi thấy khá hơn, và có thể ổn định lại tâm tư để tiếp tục cần cù làm việc.”


Sau khi được “hồi sinh”, Oda-sensei đã tập trung tất cả năng lượng tích trữ được, cộng với sự ủng hộ từ những lời động viên của [biên tập viên] Kujima, và cùng với tất cả những gì ông có, sáng tác nên một one shot. One shot này được xuất bản hai lần, thay đổi nội dung cho lần xuất bản trên Số Đặc biệt của Shonen Jump, và cho lần xuất bản trên chính Jump. Câu chuyện mang tên ROMANCE DAWN. Chủ đề của nó là manga hải tặc đã được Oda-sensei lên kế hoạch từ lâu và quyết định sẽ biến thành series trên Weekly Shonen Jump từ ngày ông còn học trung học. Series ngài họa sĩ quyết tâm thực hiện đã nhận được sự ủng hộ lớn lao từ độc giả. Dựa trên nội dung one shot, ông và biên tập viên mới Asada đã có hết cuộc gặp này tới cuộc gặp khác, và vào năm 1997, việc phát hành series One Piece bắt đầu.



One shot của Oda, "Romance Dawn".

Trong suốt 18 năm kể từ ngày bắt đầu bộ truyện, Oda-sensei đã đánh bật vô vàn kỷ lục về manga, và trở thành tác giả của series hit cỡ BỰ dẫn đầu giới truyện tranh Nhật Bản. Và nơi nền tảng của sự sáng tạo này là nhiệt huyết đầy đam mê của ông trong việc: “Vắt não ra đi, cứ vẽ càng nhiều càng tốt, và tạo nên thứ bạn thực sự thích.” Câu thần chú ấy được rút ra từ những gì ông đạt được nhờ tất cả những nỗ lực dành cho công việc, và tất cả những cuộc gặp gỡ với biết bao người suốt những năm qua. Quan điểm của ông về việc tiếp tục tiến lên phía trước để vẽ được những gì độc giả trẻ tuổi, những người đòi hỏi và yêu chuộng sự mới mẻ và sáng tạo, tới từ đó.

NGÀY VÀ TUẦN của Eiichiro Oda

Ông đi ngủ lúc 2 giờ sáng và dậy lúc 5 giờ sáng. Oda-sensei luôn làm việc chăm chỉ, trừ khi ăn uống. Nửa đầu tuần là thời gian phác thảo, và dựa vào thời điểm hoàn thành chúng, ông tiếp tục với việc vẽ bản thảo. Sau khi hoàn thành bản thảo, ông lại tiếp tục với các tập truyện, v.v… Ông hầu như không có ngày nghỉ, nhưng khi Weekly Shonen Jump ra số kép, ông sẽ gặp gỡ những họa sĩ manga từng chỉ bảo ông rất nhiều khi ông còn là trợ lý, hay tụ tập bạn bè.

CÂU HỎI THÊM

1. Làm thế nào ông nghĩ ra những cảnh mình muốn vẽ nhất?

“Tôi phải vắt óc ra mà nghĩ về chúng. Nói cho cùng, tôi không giống những thiên tài chỉ cần đi dạo trên đường là ý tưởng cứ tự nảy ra. Thế là tôi cứ cần mẫn ôm lấy cái bàn làm việc và trong khi nghĩ xem mình muốn viết gì, tôi vẽ rất nhiều, và đó là cách ý tưởng đến với tôi.”

2. Làm thế nào ông tạo ra được tất cả những nhân vật độc đáo của mình?

“Lúc nào hình ảnh mấy nhân vật tôi muốn vẽ cũng lượn lờ trong đầu tôi. Tôi lấy cảm hứng rất nhiều từ những vật trong cuộc sống hàng ngày. Và khi nghĩ ra cái gì đó, tôi ghi chú vào sổ… Nghĩ về cảnh xuất hiện lần đầu của một nhân vật mới vui ghê lắm.”

3. Điều vui vẻ số một của việc vẽ truyện tranh là gì?

“Lúc vui là những lúc tôi vẽ được gì đó thật hay. Làm tôi muốn mọi người đọc được nó thật nhanh, và những khi ấy tôi hạnh phúc lắm. Khi vẽ tốt cái gì đó, tôi lại tạo dáng chiến thắng, rồi lại tạo dáng thắng lợi lần nữa khi nhận được phản hồi tốt. Cứ thế lặp đi lặp lại không à

NGuồn http://vn-sharing.net/forum/showthread.php?t=89121
Previous
Next Post »

Thông tin liên hệ